ĐỂ TRỞ THÀNH NHÀ QUẢN TRỊ NHÂN SỰ TRUYỀN CẢM HỨNG

Làm thế nào để truyền cảm hứng cho người khác? Kristi Hedges, một chuyên gia về truyền thông lãnh đạo và là người đào tạo các CEO và giám đốc điều hành cao cấp. Cô cũng là tác giả quyển sách In The Inspiration Code: How the Best Leaders Energize People Every Day, được rút ​​ra từ các nghiên cứu chuyên sâu nhằm nhấn mạnh các công cụ và phương pháp được sử dụng để giúp lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhân viên.
Thông qua hàng trăm cuộc phỏng vấn, dữ liệu khảo sát và nghiên cứu truyền thông, cô đã giới thiệu phương pháp gọi là “Con đường truyền cảm hứng”( The Inspiration Path). Dưới đây là 5 điều bất ngờ thú vị Hedges đã phát hiện ra về những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng:
 
1. Lắng nghe là hành động truyền cảm hứng cao nhất.
 
So với việc phải căng tai lên nghe những lời  khuyên bảo không dừng, thì hành động lắng nghe chân thành sẽ khiến chúng ta được truyền cảm hứng hơn cả. Tất nhiên những thông điệp đẹp đẽ cũng làm được điều đó, nhưng để thực sự trở thành một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, bạn phải có một tâm trí mở với sự chuyên tâm lắng nghe.

 

Để thực sự trở thành một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, bạn phải có một tâm trí mở với sự chuyên tâm lắng nghe.
 
2. Những khoảnh khắc nhỏ mang lại tác động lớn.

Hầu hết mọi người nhớ lại khoảnh khắc đươc truyền cảm hứng nhất của họ là khi tham gia vào một cuộc trò chuyện cá nhân chất lượng, nơi mọi người chia sẻ những vấn đề thực sự và tập trung vào chúng. Có khi một cuộc trò chuyện chỉ kéo dài 10 phút- cũng đủ để người ta phải nhớ đến cả đời.
 
Những cuộc trò chuyện có thể kích hoạt cảm hứng cho người khác. Ví dụ, một cuộc trò chuyện nói về lý do tại sao chúng ta đang ở hoàn cảnh hiện tại- trong cả cuộc sống và công việc. Những cuộc đối thoại này vượt ra khỏi không gian thường ngày, giúp chúng ta nhận ra con đường xa hơn, tăng cảm giác tận hưởng và chạm vào niềm đam mê, thắp lên tia lửa quyết tâm để phục vụ cho một nguyên nhân to lớn hơn.

 
 
Những cuộc trò chuyện sâu sắc có thể chạm vào niềm đam mê và thắp lên tia lửa quyết tâm nơi người khác. 
 
3. Xác định và phát huy tiềm năng của người khác là giúp họ thay đổi cuộc đời.

Những người truyền cảm hứng cho chúng ta thường là những người chú ý đến và tìm cách phát triển tiềm năng của chúng ta- một cách chân thành, cụ thể và ân cần. Chúng ta thường không tự nhận ra được tiềm năng và giá trị của chính mình. Và khi có ai đó dành thời gian để nói điều đó với bạn thì còn sự khích lệ nào mạnh mẽ hơn, nó giúp chúng ta mở mang tâm trí về những gì mình có thể thực hiện.
 
4. Những người truyền cảm hứng- cũng là người bình thường như chúng ta thôi.
 
Trái ngược với những suy nghĩ tôn sùng quá đáng rằng những người truyền cảm hứng đều phải thật hoàn hảo và cuốn hút cứ như thể được trên trời phái xuống, sự thật thì những lãnh đạo truyền cảm hứng cũng như chúng ta thôi. Họ không cần đóng kịch và cố gắng khoác lên mình dáng vẻ hoàn hảo. Họ chạm được đến bạn, là vì sự chân thành. Những người càng có thể truyền cảm hứng càng rất “bình dân”. Bởi thực sự thì chúng ta kết nối với nhau bằng cảm xúc và muốn biết được điều họ thật sự quan tâm.
 

Những người càng có thể truyền cảm hứng càng rất “bình dân”. Họ chạm được đến bạn, là vì sự chân thành.

5. Công nghệ là rào cản.
 
Sự phân tâm và khoảng cách là những kẻ thù của cảm hứng. Một nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần sự xuất hiện của một chiếc điện thoại di động trên bàn trong một cuộc trò chuyện –ngay cả khi nó ở chế độ im lặng – sẽ làm giảm sự đồng cảm. Do đó, bạn cần thoát khỏi sự phiền nhiễu của điện tử hay những đồ công nghệ và đặt hoàn toàn tâm trí vào hiện tại.
 
Hedges cho rằng những người truyền cảm hứng không cần bất kỳ phẩm chất hiếm hoi khó khăn nào, cơ bản là họ rèn luyện kỹ năng lắng nghe, thắp lên ngọn lửa nơi người khác và xây dựng mối liên kết để dẫn dắt sự cam kết của mọi người.