Đào tạo là một trong những công việc quan trọng bậc nhất của những người phụ trách công tác Nhân sự. Đồng thời cuối năm là thời điểm các Doanh nghiệp chuẩn bị cho kế hoạch đào tạo vào năm sau. Từ trước đến nay, khi nói về đào tạo thường gắn liền với hình thức học tại lớp (classroom-based learning) với sự dẫn giảng của người hướng dẫn. Bên cạnh nhiều ưu điểm thì hình thức này cũng có một số hạn chế, ví dụ như công tác hậu cần, thời gian học tập, chi phí đào tạo, giới hạn trong việc học liên tục…
Trong bối cảnh 4.0, với sự hỗ trợ của nền tảng trực tuyến, các Doanh nghiệp đang dần chuyển dịch việc đào tạo truyền thống sang hình thức đào tạo tích hợp. Đây có thể được xem là tương lai của học tập, dự kiến sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới.
Nhằm đồng hành cùng giới Nhân sự trong câu chuyện này, vào ngày 16/10/2019, Trường Doanh Nhân PACE và SHRM Việt Nam đã tổ chức hoạt động sinh hoạt định kỳ SHRM Café với chủ đề “Blended Learning/ Đào tạo tích hợp”. Buổi sinh hoạt lần này có sự tham gia chia sẻ của Bà Nguyễn Minh Ngọc – HRBP Manager & phụ trách Đào tạo từ Schneider Electric Việt Nam, cùng cộng đồng Nhân sự đến từ nhiều tập đoàn và doanh nghiệp trong nước.
Mở đầu chương trình, người tham dự cùng nhau làm rõ khái niệm Blended Learning/ Đào tạo tích hợp. Có nhiều ý kiến được nêu lên, ví dụ như đào tạo tích hợp là vừa học tại lớp vừa học trực tuyến, học tại lớp thì kết hợp nhiều phương tiện/ hoạt động như video, đóng vai (role-play), ứng dụng trò chơi điện tử (gamification), các hoạt động đồng hành cùng người học như huấn luyện, hướng dẫn, phản hồi… Sự kết hợp này tựu chung đều nhằm mục đích tối đa hóa giá trị học tập, góp phần nâng cao năng lực và giúp tổ chức đạt được các mục tiêu đề ra.
Đào tạo tích hợp có rất nhiều ưu điểm, có thể kể đến là tiết kiệm chi phí và thời gian; phương pháp học đa dạng, thú vị, phù hợp với thế hệ nhân viên trẻ thích sử dụng công nghệ; môi trường học tập thoải mái, linh hoạt; có thể thu xếp cho số lượng lớn người học tham gia; có công cụ hỗ trợ theo dõi/ báo cáo kết quả học tập của nhân viên…
Bên cạnh đó, người tham dự cũng nêu lên một số hạn chế của phương pháp đào tạo này như: để áp dụng đào tạo tích hợp hiệu quả, doanh nghiệp cần phải có nguồn lực về con người và cơ sở hạ tầng; khi học trực tuyến, người học ít có động lực hơn là học trực tiếp; nhu cầu đào tạo của nhân viên/phòng ban khác nhau, làm thế nào để thiết lập chương trình e-learning áp dụng được cho nhiều phòng ban…
Phần cuối chương trình, chương trình cũng đã cùng chia sẻ Mô hình ADDIE (Analysis/ Phân tích – Design/ Thiết kế – Developmet/ Phát triển – Implementation/ Thực thi – Evaluation/ Đánh giá), là 5 bước để triển khai các hoạt động đào tạo nói chung và hoạt động đào tạo tích hợp nói riêng. Trong đó, giai đoạn Phân tích và Thiết kế rất quan trọng, quyết định mức độ phù hợp của các hoạt động sau đó.
Trong giai đoạn Phân tích và Thiết kế: người lên kế hoạch có thể tiếp cận ở cả 3 hướng: bottom-up/ từ dưới lên, top-down/ từ trên xuống và từ tập đoàn/vùng.
- Bottom-up/ từ dưới lên: đến cuối năm, đội ngũ quản lý đánh giá nhân viên, xác định được khoảng trống về năng lực (competency gap), và từ đó xây dựng Kế hoạch phát triển cá nhân (IDP) cho từng cá nhân và xác định các nhu cầu đào tạo. Các nhu cầu đào tạo sẽ được trình bày và xem xét/ chấp thuận trong các cuộc họp lãnh đạo.
- Top-down/ từ trên xuống: trọng tâm/ mục tiêu chiến lược của Doanh nghiệp trong năm là gì, từ đó phân tích và suy ra cần đào tạo gì cho nhân viên.
- Từ tập đoàn/vùng: muốn theo xu hướng của thị trường (lấy thông tin từ những người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về đào tạo) thì cần đào tạo những gì?
Để làm tốt ADDIE, Nhân sự cần phối hợp với các bên liên quan (quản lý nhánh, nhân viên, lãnh đạo). Ngoài ra, có thể kết hợp với các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài (về dịch vụ phân tích nhu cầu đào tạo, giải pháp/ chuyên gia đào tạo…) để có chiến lược đào tạo tích hợp tối ưu.
SHRM Việt Nam hy vọng thông qua buổi sinh hoạt và kết nối SHRM Café, người tham dự sẽ có thêm nhiều bài học thực tiễn hữu ích, từ đó ứng dụng trong công việc hàng ngày tại doanh nghiệp.
Hoạt động SHRM Café đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của cộng đồng Nhân sự và sẽ tiếp tục phát triển để trở thành một nơi kết nối và chia sẻ của giới Nhân sự chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Với bề dày lịch sử và tầm vóc ảnh hưởng của mình, trong suốt nhiều thập kỷ nay, SHRM – Hiệp hội Quản trị Nhân sự Hoa Kỳ luôn đóng vai trò trọng yếu trong việc xác lập chuẩn mực nghề nghiệp và định hình tương lai của nghề Nhân sự toàn cầu, và Trường Doanh Nhân PACE là đối tác độc quyền của SHRM tại Việt Nam.
Mô hình năng lực SHRM (SHRM Competency Model
®) và Khung năng lực SHRM (SHRM-BoCK
TM) chính là nền tảng để SHRM Việt Nam thiết kế nên chương trình đào tạo
“Quản trị Nhân sự Quốc tế / International Human Resource Management” (IHRM) do Trường Doanh Nhân PACE và SHRM Việt Nam độc quyền triển khai tại Việt Nam. Chương trình IHRM sẽ tiếp tục được khai giảng vào ngày 19/03/2020 tại TP.HCM và ngày 26/03/2020 tại Hà Nội. Vui lòng xem thêm chi tiết về chương trình và đăng ký
tại đây.